(+84) 255 3620055

pvsm@pvsm.vn
Khu công nghiệp phía Đông khu kinh tế Dung Quất, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam

“Xác định tầm nhìn tương lai, PVSM trở thành đơn vị mạnh trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa phương tiện nổi”

Trong buổi làm việc về Chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm (2026 – 2030) và giải pháp thúc đẩy SXKD năm 2025 của PVSM ngày 21/6, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã có những chỉ đạo, định hướng về chiến lược phát triển, công tác tái cơ cấu, các giải pháp quản trị, các giải pháp sản xuất kinh doanh... cho Công ty. Trong đó, Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng đã định hướng “xác định tầm nhìn tương lai, PVSM trở thành một đơn vị mạnh trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa phương tiện nổi và chủ động tham gia vào chuỗi giá trị cơ khí chế tạo”.

Nỗ lực tái cơ cấu để tiếp tục phát triển

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Minh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp Cơ khí Dầu khí (PVSM) đã báo cáo với Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng và đoàn công tác về kế hoạch, mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới và những giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh năm 2025.

Trong kế hoạch 5 năm 2026 – 2030 của PVSM, công tác quan trọng nhất giai đoạn sắp tới là công tác tái cơ cấu theo Kết luận của Bộ Chính trị nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn cũ, tạo nền tảng cho PVSM phát triển. PVSM cũng đặt mục tiêu sẽ “Triển khai thực hiện hoàn thành phương án tái cơ cấu PVSM theo phương án đã được Bộ Chính trị thông qua; phấn đấu hoàn thành sớm trong vòng 10 năm”. Để đạt được điều đó, PVSM sẽ đẩy mạnh công tác xử lý các gói thầu còn vướng mắc trước kia; tái cơ cấu nợ vay; đẩy mạnh công tác đầu tư…

Trong đó, để có thể thực hiện thành công việc tái cơ cấu trước thời hạn, nâng cao doanh thu, PVSM cần đẩy mạnh công tác đầu tư để tăng công suất sản xuất. Đồng thời, PVSM cũng sẽ rà soát các tài sản cố định không cần dùng hoặc có khấu hao cao, xuống cấp cần thay thế. Các hạng mục đầu tư tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện ụ tàu số 2 cùng các trang thiết bị đi kèm; cẩu 5.000 tấn; 4 cẩu đế 120 tấn; nhà sơn; cầu tàu trang trí. Nếu được đầu tư đồng bộ các hạng mục trên, PVSM sẽ nâng cao năng lực sản xuất, rút ngắn thời gian thực hiện các dự án… Những việc này sẽ giúp PVSM tăng doanh thu, tăng lợi nhuận để có thể sớm hoàn thành công tác tái cơ cấu.

Ngoài ra, PVSM cũng sẽ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và nghiên cứu khoa học công nghệ. Trong thời gian tới, PVSM sẽ lên kế hoạch xây dựng nền tảng dữ liệu điện tử tập trung phục vụ sản xuất kinh doanh; xây dựng phần mềm nền tảng; chuẩn hoá các quy trình chủ đạo liên quan đến quản trị vận hành, sản xuất kinh doanh…

Đối với các giải pháp để hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2025, PVSM sẽ chú trọng đến công tác thị trường; tiếp tục rà soát các nguồn lực để đẩy nhanh công tác thi công, tăng công suất sản xuất; đẩy nhanh tiến độ ký hợp đồng thi công tàu Chí Linh; tăng cường quảng bá hình ảnh, năng lực của PVSM trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa tàu, giàn khoan và các phương tiện nổi. Đồng thời PVSM tiếp tục rà soát hoàn thiện các định mức kinh tế kỹ thuật, sử dụng tối đa vật tư tồn kho, cải tiến tối ưu hoá trong quá trình sản xuất để tiết giảm chi phí, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh.

Ông Nguyễn Anh Minh – Tổng Giám đốc PVSM báo cáo về kết quả SXKD từ đầu năm 2025 đến nay, kế hoạch SXKD năm 2025 và Chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm (2026 – 2030)

Tái cơ cấu là nhiệm vụ quan trọng nhất

Theo “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, sau năm nay thị trường đóng mới và sửa chữa tàu có nhiều cơ hội để phát triển. Nhu cầu vận chuyển bằng đường biển sẽ tăng cao, việc thay thế các đội tàu có tuổi vận hành cao… sẽ là cơ hội lớn cho PVSM gia tăng sản lượng sửa chữa, đóng mới tàu, phương tiện thuỷ. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tốc độ phát triển của thị trường này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, có thể đạt giá trị gần 200 tỷ USD vào năm 2030.

Tại buổi làm việc, Thành viên HĐTV Petrovietnam Phạm Tuấn Anh cũng đã có những nhận định, chia sẻ về công tác tái cơ cấu của PVSM trong thời gian tới. Trong đó, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh việc PVSM cần xác định rõ ràng tầm nhìn, sứ mệnh, vị trí của đơn vị trong tổng thể chiến lược phát triển của Petrovietnam, trong thị trường đóng tàu khu vực. Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết thêm, PVSM là một doanh nghiệp đặc biệt khi đã đứng trên bờ vực phá sản nhưng được Bộ Chính trị cho phép tái cơ cấu, mở ra cơ hội phục hồi doanh nghiệp. Cần thực hiện nhanh chóng, xử lý triệt để các tồn tại tài chính theo cơ chế mà Bộ Chính trị đã đồng ý. Đồng thời, PVSM cũng cần nâng cao năng lực quản trị, kiện toàn nhân sự để thực hiện tốt công tác tái cơ cấu, thực hiện tốt chiến lược phát triển trong giai đoạn tới.

Ông Phạm Tuấn Anh – Thành viên HĐTV Petrovietnam đề nghị PVSM tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược phát triển cụ thể trong giai đoạn 2026 – 2030

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng đã chỉ đạo PVSM cần phải xác định rõ việc phục hồi SXKD phải xuất phát từ chính nội lực của PVSM. Trong giai đoạn tới, việc quan trọng nhất của PVSM là thực hiện tốt công tác tái cơ cấu, giải quyết dứt điểm các tồn tại... trên cơ sở phương án đã đợc Bộ Chính trị phê duyệt. Về chiến lược phát triển, mục tiêu cụ thể của PVSM trong giai đoạn tới, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chỉ đạo: “Cần xác định rõ ràng trong tương lai, PVSM là đơn vị mạnh trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa phương tiện nổi và chủ động tham gia vào chuỗi giá trị cơ khí chế tạo”. Để thực hiện mục tiêu này, PVSM cần các giải pháp dài hạn, đồng bộ chiến lược với mô hình quản trị, mô hình kinh doanh phù hợp. Đồng thời, chiến lược phát triển của PVSM cần phù hợp, nằm trong tổng thể chiến lược phát triển của Tập đoàn.

Ông Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nhấn mạnh việc tập trung thực hiện các công tác tái cơ cấu PVSM và xử lý dứt điểm các tồn tại của Công ty

Đối với các công việc cần hoàn thiện sớm, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng lưu ý PVSM cần thực hiện 4 công việc. Thứ nhất, PVSM cần nâng cao năng lực quản trị, năng lực nhân sự; thứ hai cần nâng cao năng suất lao động bằng cách thực hiện các chương trình đào tạo kỹ năng cho người lao động. Thứ ba là PVSM cần tích hợp các nguồn lực trong chuỗi giá trị của Tập đoàn để tăng doanh thu, nâng cao năng lực sản xuất. Cuối cùng là PVSM cần phân loại, đánh giá các tài sản dở dang để giảm áp lực tài chính, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.

*Box: Từ đầu năm đến nay, PVSM đã thực hiện sửa chữa 35 đơn hàng với 2 đơn hàng trong ngành, 24 đơn hàng ngoài ngành (trong nước) và 9 đơn hàng ngoài ngành của nước ngoài. Qua đó, tổng doanh thu hợp nhất thực hiện của PVSM đạt hơn 864,7 tỷ đồng, vượt 29% kế hoạch và tăng 43% so với cùng kỳ năm 2024. Dự kiến, 6 háng cuối năm PVSM sẽ tiếp tục thực hiện thi công, sửa chữa khoảng 29 đơn hàng và ước tính tổng doanh thu sẽ đạt 580,9 tỷ đồng.

Thanh Hiếu – Thành Linh